Tư Vấn Khách Hàng
|
|
Tư Vấn Khách Hàng
|
|
Email: vanhoadongnguyen@gmail.com
|
Giá: 28.500 VND
Lời giới thiệu
Với nhà thơ Minh Phúc, bạn đọc đã phần nào hiểu anh qua hai tập thơ Mây nghiêng bóng và Nắng giữa muộn mằn. Lần này, anh có thêm Mong nắng cho quê. Nghe tên các tập sách, ta có cảm tưởng Minh Phúc là người tâm đắc, mang nhiều duyên nợ với nắng với mây. Có gì ở trong nắng trong mây đã khiến anh ưa thích khám phá? Có lẽ, nắng và mây tưởng như lúc nào cũng cũ mà lúc nào cũng mới - vừa quen thuộc, vừa bí ẩn lạ lùng. Đọc bài thơ Mong nắng cho quê (được dùng làm tên cho tập thơ này) và Chùm thơ mây ta sẽ hiểu hơn ý đồ nghệ thuật của tác giả.
Mong nắng cho quê được chia làm 3 phần:
I. Trăn trở những câu thơ
II. Lượm lặt những vần thơ
III. Thơ Minh Phúc - lời bình và phổ nhạc.
Ở phần I, Minh Phúc chủ yếu sử dụng thể thơ lục bát để ghi lại những chuyện đời, những tâm tư, tình cảm của mình. Từng bài từng bài liên kết lại có tới mấy trăm câu lục bát. Khi thì Lục bát tâm trạng, Lục bát phận mình;khi thìLục bát mẹ con, Lục bát vợ chồng, Lục bát chị em; lúc lại Lục bát viển vông, Lục bát người - Lục bát tôi… Với thể loại này, tác giả tự bạch:
"Thơ tôi lục bát đồng chua
Sáo nâu cất tiếng hót chưa thành bài"
(Lục bát viển vông)
Đó lá cách nói khiêm nhường. Người đọc vẫn bắt gặp trong thơ anh nhiều câu lục bát khá sâu sắc, nhuần nhuyễn, như:
"bồn chồn mong nắng cho quê
trắng trời mưa bụi, bờ đê vắng người
gió chao lạnh sóng sông trôi
buồn lên xóm vắng, ai người biết ai…”
(Mong nắng cho quê)
hoặc:
"Theo chân nhập lại dòng đời
Đục trong lặn ngụp cũng hồi sắc - không”
(Lạc đường)
Trong phần Trăn trở những câu thơ này còn có những câu lục bát thật duyên dáng (Lục bát tâm trạng làm sao / Đắn đo tháng Chạp, ngọt ngào tháng Giêng / Hạt sương, gié lúa, mắt huyền…); những câu thơ đầy tâm trạng (Trăng soi im phắc bóng cầu / Tiếng con cá quẫy mảng sầu không tan);
Có những câu thơ đầy sức công phá:
"Làm thì giả, ăn toàn là
Tôm hùm, vây mập, ba ba… đầy bàn
Sếp to, sếp nhỏ hân hoan
Váy dài, váy ngắn tình… tang tính tình";
(Thơ tôi)
Và những câu thơ thật lay động:
"Nhìn sang Nhật Bản Á Đông
Sóng thần kép thành phố không còn gì
Nhường nhau từng mẩu bánh mì
Yêu thương, nhân cách - dễ bì kịp sao?!"
(Lục bát người - Lục bát tôi)
Sang phần II - Lượm lặt những vần thơ. Minh Phúc cũng thật khiêm nhường với tiêu đề “lượm lặt”. Người ta thường chỉ lượm lặt những vật bé nhỏ, nhưng Minh Phúc lại “lượm lặt” cả trăng, sao, mây trời… (Chùm thơ mây); “lượm lặt” cả sắc bạch dương xa tận mãi trời Tây (Mùa thu về lại)... vào thơ mình. Tuy nhiên đúng như tên gọi, “lượm lặt” không đồng nhất về chất, nhưng đa dạng về đề tài và phong cách thể hiện; thơ lại trải dài theo thời gian, rộng mở trước không gian nên người đọc dễ có cảm giác “đứt gãy” trong phản ánh tái tạo.
Đọc phần II ta cũng gặp nhiều câu thơ giàu liên tưởng, đằm thắm và lắng đọng. Chẳng hạn:
"Anh tìm em
Như người nghệ sĩ tìm hoa trên núi
Anh gặp em
Như người đi rừng gặp suối"…
(Trên đường tìm đến với em)
hay là:
"Các con chồi non
Trong vườn cây ươm
Mẹ là ruột đất
Âm thầm lên hương"…
(Tứ thơ bắt gặp trước vườn)
Ở phần III: Thơ Minh Phúc - lời bình và phổ nhạc, đưa vào đây là một số bài trong hàng chục bài thơ hay của anh được các nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo phân tích, bình giảng. Đó là: Ao làng, Tình quê, Tháng Mười, Ngày giỗ mẹ... Mỗi người có một cách bình, cách cảm thụ riêng cái hay cái đẹp trong từng bài thơ. Người thì đề cập đến cách lập tứ hay phân tích độ chín cảm xúc; người thì nêu lên vẻ đẹp tâm hồn và tấm lòng sâu nặng của nhà thơ với quê hương, đất nước hoặc đánh giá cao sự tinh tế, nhạy cảm và tài năng thơ của anh. Mỗi nhận định, đánh giá thơ anh đều có cơ sở và giàu sức thuyết phục. Đọc các bài bình, ta thấy rõ nét hơn diện mạo và chân dung nhà thơ Minh Phúc.
Với sự đồng cảm sâu sắc, một số nhạc sĩ đã phổ nhạc góp phần chắp cánh cho thơ anh bay xa.
Tôi có cảm tưởng Mong nắng cho quê là sự tận thu những thành quả lao động sáng tạo của Minh Phúc sau một mùa vụ trên cánh đồng thơ anh!
Huế, Mùa hoa phượng 2013
Nhà thơ LÝ HOÀI XUÂN
Đánh giá 0 lượt đánh giá