banner
Giỏ hàng
Ship COD Trên Toàn Quốc
Free Ship Đơn Hàng Trên 300k
Hotline: 0944 286 629
vanhoadongnguyen@gmail.com
Chào mừng quý khách đến với website: www.nhasachdongnguyen.com, kính chúc quý khách lựa chọn được những cuốn sách tốt nhất!
Chùa Hương cõi phật nguồn thơ (Tập thơ)
chua-huong-coi-phat-nguon-tho-tap-tho - ảnh nhỏ  1

Chùa Hương cõi phật nguồn thơ (Tập thơ)

Tên sản phẩm : Chùa Hương cõi phật nguồn thơ (Tập thơ)

Tác giả : Nhiều tác giả

Nhà xuất bản : NXB Đà Nẵng

Khổ sách : 10x15cm

Số trang : 156.

Giá: 19.500 VND

Giới thiệu

     Chùa Hương, còn gọi là Hương Sơn hay Hương Tích, là một thắng tích nổi tiếng ở nước ta.

     Thắng cảnh Hương Sơn bao quát cả một vùng suối biếc, non xanh với những hang động, chùa chiền, am tháp… thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội (xưa là huyện Chương Mỹ, phủ Ứng Thiên, tỉnh Hà Đông). Tương truyền, Phật Bồ Tát Quan Thế Âm sang phương Nam đã trụ trì ở đây. Đó là Phật thoại mà người đời sau còn kể lại: Thiền sư Tổ Đức chống gậy tích đến động trong núi Hương Tích, dựng thảo am Thiên Trù và động Hương Tích làm nơi tu hành. Ngài tu đắc đạo, trở thành Phật Bồ Tát. Từ đó về sau, nơi đây đã xuất hiện nhiều địa danh và huyền tích được nhiều người biết đến:

Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,

    Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh

     Để rồi không chỉ có con người mà cả muôn loài vật trong thiên nhiên cũng nhuốm màu Phật giáo:

    Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,

Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh.

và:

Cửa Phật lơ phơ tầng đá giãi,

        Chùa Tiên bát ngát khói hương bay.

                                (Cảnh Hương Sơn - Bà Huyện Thanh Quan)

     Chùa Hương là nơi thờ Phật, tu hành. Chính cái khói hương huyền ảo nơi cửa Phật ấy đã lôi cuốn khách hành hương tấp nập về trẩy hội nơi đây mỗi khi mùa xuân đến. Nhưng, cảnh đẹp Hương Sơn, cái thơ mộng sơn thủy hữu tình của nó cũng hấp dẫn du khách không kém. Xuân Diệu rất tinh tế khi nhận xét: “Nếu có thể chia được cái đẹp, thì một nửa cái đẹp của Hương Sơn là con đường nước từ Bến Đục đi tới Hương Sơn”. Còn thung lũng mơ Hương Tích, dưới con mắt và tâm hồn thi sỹ lãng mạn này thì nó vừa thực lại vừa mơ:

     Xuân về hoa nở rộ, rừng mơ, cây mơ, hoa mơ lác đác điểm lượn suốt dọc đường. Người đẹp thần tiên nào thở cái hơi nhẹ thơm trên rừng mà hóa thành hoa mơ? Khi cây mơ đứng dày trong thung lũng, hoa như làn sương bạc gồm vạn vạn cánh hoa. Khi cây mơ lẻ tẻ đi lạc, hoa điểm điểm càng thanh quý. Hoa mơ nhẹ, trong sạch, rụng xuống đất không nghe một tiếng. Hoa ấy đậu thành quả mơ rất thực. Lúc quả mơ chín, lại càng thực. Khi ăn quả mơ giòn rụm, chua thanh, đắng ngọt, thì thật là ăn thực! (Xuân Diệu).

     Về suối Yến, rừng mơ Hương Tích, danh sỹ Vũ Phạm Hàm còn có bài thơ Hương Sơn phong cảnh:

Mặt trời gác bóng cây xê xế,

   Tản vân in đáy nước rành rành.

  Chim trời mấy chiếc lênh đênh,

       Cây mai thu rập rềnh năm bảy lá

    Mây nổi dưới bóng nước, chim trôi trên bầu trời, lá mơ già bơi trong không gian gió thổi. Cảm giác lâng lâng là cảm xúc chi phối cả bài thơ:

Cây xanh xanh mà đá cũng xanh xanh,

   Xuống một núi lại trèo quanh một núi

Hay:

     Trong bụi rậm đàn chim thỏ  thẻ,

     Dưới rừng xanh mấy chị  tìm mơ,

Lá vàng man mác ngẩn ngơ

     Thực đấy mà mộng đấy! Rõ ràng trước mắt mà thi sỹ còn ngỡ chiêm bao. Còn chúa Trịnh Sâm đã từng kinh lý, ngoạn cảnh nhiều nơi, để lại không ít thơ và bút tích khắc trên vách đá nơi các danh thắng. Vậy mà tới Hương Tích, ông đã cho khắc trước của động dòng chữ: Nam thiên đệ nhất động (Động đẹp nhất trời Nam). Thăm cảnh chùa Tiên, ông có những câu thơ tuyệt bút:

          Chở mây quanh quất lồng hương Phật,

Gõ đá vang lừng trỗi nhạc Tiên.

Ở Hương Sơn, ông còn để lại cho đời sau bài thơ Vịnh núi Hinh Bồng, trong đó có hai câu rất hay:

       Non xanh nhường thấy non không đất,

Suối biếc nhìn qua suối gặp trời.

                                      (Quách Vinh dịch từ nguyên văn chữ Hán)

     Cảnh non nước trời mây Hương Sơn trong thơ Trịnh Sâm như một bức tranh thủy mặc. Thi tứ “Nước trời một sắcphong cảnh ba thu” ấy có cái gì đó gần với thơ Đường (Trung Quốc), càng gần gũi với tứ thơ sau này khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về cảnh rừng Việt Bắc:

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.

     Thì ra, đứng trước cảnh thiên nhiên đất trời tươi đẹp, thi nhân lớn ở bất cứ thời đại nào cũng cảm xúc đồng điệu với nhau.

     Hương Sơn đa cảnh, đa sắc, và cũng rất đa tình, đủ để cho thi nhân muôn đời ca tụng. Nếu như thơ Chu Mạnh Trinh tha thiết, ngọt ngào, có thể thành câu hát ca trù, thì Mười khúc vịnh Hương Sơn của Cao Bá Quát lại như bao phủ một nỗi buồn day dứt, đôi lúc đến đau đớn, có lẽ do chí lớn của ông không thành?

Bảy khúc:

                                   Chùa trơ dựa bóng chiều,

                                   Chạnh niềm ngói vỡ, bức tường xiêu.

                                   Đầy non hoa rụng người đâu vắng,

                                   Mấy tiếng chuông chùa giọt lệ theo.

Tuy vậy, thơ ông vẫn xen đôi nét thanh tao, ấm áp:

         Sương theo tiếng vượn gieo đêm lạnh,

Cây xế vành trăng cuốn gió tây.

     Bài Vịnh Hương Sơn của Bùi Dị thiên về tả cảnh, nhưng vẫn đậm tính triết lý nhân sinh:

Mưa đấy, tạnh ngay đấy,

Ngày lâu, tháng cũng lâu.

Và:

Chớp mắt đời kim cổ,

Sao trời cuộc bể dâu.

      Khúc ngân niềm khuôn tả,

  Ngày vui quên bạc đầu.

     Tác giả kết bài thơ bằng hai câu trân trọng gieo vào lòng chúng ta niềm tin bền vững:

Chắp tay tạ non nước,

Trời đất hẳn dài lâu.

     Trong số thi nhân ấy, có một cây bút mang phong cách khác hẳn, ấy là nữ sỹ Hồ Xuân Hương. Chỉ nói riêng cái động Hương Tích, bà có cách nói riêng “rất Xuân Hương”:

     Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm,

Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom.

            … Giọt nước hữu tình rơi thánh thót,

     Con thuyền vô trạo cúi lom khom.

     Và để nhân cách hóa cái động kỳ lạ đó để trêu chọc người đời, bất kể đấy là cõi Tiên, cửa Phật:

           Người quen cõi Phật chen chân xọc,

Kẻ lạ bầu Tiên mỏi mắt dòm.

     Sau này, Nguyễn Khuyến còn đi xa hơn cả Hồ Xuân Hương. Không dừng ở mức trêu chọc, ông nói thẳng thừng (Chợ trời Hương Tích):

      … Chợ họp quanh năm cả bốn thì,

        Đổi chác người tiên cùng khách bụt,

Bán buôn gió chị lại trăng dì

     Xã hội thời Nguyễn Khuyến và Tú Xương, đầy cảnh nhiễu nhương, nửa Tây nửa ta. Trường thi thì nhốn nháo với cảnh: “Lọng cắm rợp trời quan xứ đến, Váy lê quét đất mụ đầm ra.

     Nơi thâm nghiêm như chùa chiền, đền miếu cũng biến thành nơi buôn thần bán thánh, đồng cốt quàng xiên. Chùa Hương bấy giờ cũng chịu chung cảnh ấy. Nhà thơ đã vạch trần những kẻ “… yến oanh chào khách, hoa quả bày hàng điếm cỏ che”. Thái độ của ông trước cái xấu được “ngụy trang” nơi cửa Phật là thái độ phê phán một cách tích cực, đáng trân trọng.

    Trong Truyện Kiều (Nguyễn Du) có câu thơ đầy tâm trạng, mang biểu tượng tẩy trần nơi thờ Phật rất gợi cảm:

Cho hay giọt nước cành dương

     Đó là việc người xưa tẩy rửa mọi uế tạp, cũng như rũ bỏ bụi trần, bằng cách nhúng cành dương vào nước trong, rồi vẩy lên mọi vật trong, ngoài chùa. Cả từ Nguyễn Khuyến và cho đến chúng ta bây giờ, có lẽ vẫn rất cần những giọt nước cành dương ấy để giữ cho Hương Sơn, cũng như các nơi thờ tự khác được thanh sạch, tôn nghiêm.

     Đến thơ mới, Chùa Hương đã được cảm nhận một cách khác xưa. Từ Tản Đà đến Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, Huy Cận, Anh Thơ, Nguyễn Xuân Sanh… dường như đều tức cảnh sinh tình, thường gắn phong cảnh hữu tình nơi đây với tình yêu lứa đôi đầy lãng mạn.

     Nguyễn Nhược Pháp với Chùa Hương  Thiên ký sự của một cô bé ngày xưalà một bài thơ dài (136 câu), rất nổi tiếng:

      Hôm nay đi Chùa Hương,

Hoa cỏ mờ hơi sương.

Cùng thầy me, em dậy,

Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ, đuôi gà cao,

Em đeo dải yếm đào.

Quần lĩnh, áo the mới,

Tay cầm nón quai thao.

     Rung động trước ý thơ xuất thần ấy, nhạc sỹ kiêm ca  sĩ Trung Đức đã phổ nhạc thành bài hát Em đi chùa Hương. Bài hát nhanh chóng được công chúng nồng nhiệt đón nhận và đã trở thành tình khúc bất tử gắn liền với danh thắng này.

     Thi sỹ Nguyễn Bính viết bài thơ Cô hái mơ vào năm 1931, nghĩa là trước 4 năm khi bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp ra đời (tháng 8 năm 1934). Khi ấy Nguyễn Bính mới 13 tuổi. Và đó cũng là bài thơ đầu tiên của thi sỹ được đăng báo, sau in trong Tâm hồn tôi (tập thơ được giải thưởng của Tự lực văn đoàn,1937). Lời thơ mơ màng, thấm đẫm tình cảm, khiến đắm say lòng người.

     Chất thi vị thấm trong từng câu thơ, ẩn chứa trong mỗi hình ảnh thơ đường chiều, núi xanh, khí trời… và “Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ”. Khách thơ - thi sỹcất lời gọi mời chứa đầy tâm trạng:

     Hỡi cô con gái hái mơ già,

...

Hay cô ở lại về cùng ta.

     Địa chỉ căn nhà của thi nhân là một gốc cây, một con suối, một mùi hương – thật mơ hồ, lãng đãng! Và đáp lại lời mời gọi tha thiết ấy, cô hái mơ cũng chỉ như một cái bóng hư thực  mơ hồ:

Cứ lặng rồi đi rồi khuất bóng

Và cái còn lại chỉ là:

Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi

     Tài hoa của Nguyễn Bính như tan vào cảnh sắc “kỳ sơn tú thủy” của Hương Sơn. Hẳn Cô hái mơ kia cũng chỉ là giấc mơ say của thi sỹ trước cảnh sắc ảo huyền của Chùa Hương vậy! 

     Và còn biết bao thi sỹ nữa hết lời ca ngợi Hương Sơn? Như thế, Chùa Hương – Cõi Phật – Nguồn Thơ có bao giờ vơi cạn?!

                     ThS.  BÙI VĂN VƯỢNG

Đánh giá 0 lượt đánh giá

ĐẶT HÀNG
1
 
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CÔNG TY TNHH MTV DỊCH VỤ VĂN HÓA ĐỒNG NGUYÊN
Địa chỉ: 208 Cách Mạng Tháng 8 - Q. Cẩm Lệ - TP. Đà Nẵng
0944 286 629
vanhoadongnguyen@gmail.com
BẢN ĐỒ
KẾT NỐI VỚI CHUNG TÔI
Design by Nhà Sách Đồng Nguyên
dathongbaobocongthuong