Tư Vấn Khách Hàng
|
|
Tư Vấn Khách Hàng
|
|
Email: vanhoadongnguyen@gmail.com
|
Giá: 72.000 VND
NGÃ BA ANH HÙNG – NGÃ BA THƠ
VƯƠNG TRỌNG
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên địa bàn xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trong nhừng năm chống Mỹ cứu nước, đây là một trọng điểm hết sức ác liệt, hố bom chồng lên hố bom, không còn một cành cây, ngọn cỏ. Trọng điểm này vừa nằm trên tuyến đường vận tải Trường Sơn, theo quốc lộ 15B trục bắc- nam, vừa là nơi gặp gỡ một tuyến đường chạy từ quốc lộ số Một sang phía tây nhập vào nên mới tạo thành ngã ba. Để bảo đảm giao thông được thông suốt, chúng ta đã hy sinh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội và thanh niên xung phong. Chỉ riêng một trung đoàn phòng không 210 bảo vệ ngã ba Đồng Lộc đã có đến 120 liệt sĩ. Trong thời gian chiến tranh, trọng điểm này đã sinh ra ba anh hùng lực lượng vũ trang (trong đó có “người con gái sông La” La Thị Tám) cũng nói nên một phần sự khốc liệt ở ngã ba này. Nói đến sự hy sinh anh dũng ở ngã ba Đồng Lộc, chúng ta không thể không nhắc tới mười cô gái, mà hình ảnh của họ hơn bốn chục năm qua đã in đậm trong tâm trí mọi người.
Cuối chiều ngày 24 tháng 7 năm 1968, mười cô gái tiểu đội 4 thanh niên xung phong do Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng được lệnh ra mặt đường để san lấp hố bom do máy bay Mỹ vừa trút xuống. Đó là một nhiệm vụ quen thuộc của họ, vì ở đây không biết mấy trăm lần, ngày bom địch phá tan đường, cuối ngày thanh niên xung phong lại nối liền lại để ban đêm những đoàn xe quân sự có thể lăn bánh vào Nam. Nhưng hôm ấy, khi mười cô đang mê mải san lấp hố bom, thì có hai chiếc máy bay phản lực của Mỹ từ biển bay vào trút bom xuống trọng điểm. Khi khói bom tan, đồng đội quanh vùng kéo đến thì không thấy bóng dáng một người nào trước quang cảnh những hố bom mới toang hoác, tung đất lên lấp kín cả một vùng đồi. Anh em tìm đến vị trí có căn hầm chữ A, lúc đó đã bị vùi sâu dưới đất bom, cùng nhau đào đất, bới lên chỉ thấy thi thể của chín cô, tất cả bị chết do sức ép của bom, còn tiểu đội phó Hồ Thị Cúc thì không thấy đâu. Suốt đêm 24 và sáng ngày 25, đồng đội đã đào tìm, nhưng đều không hiệu quả. Có người đề nghị làm lễ gọi hồn Hồ Thị Cúc để may ra biết được nơi cô đang bị bom vùi. Và kỹ sư giao thông Nguyễn Thanh Bính (tức Yến Thanh) đã làm bài thơ “ Cúc ơi” gọi hồn Hồ Thị Cúc, và kỳ diệu thay, sau đó không lâu thì đồng đội đã tìm được căn hầm cá nhân nơi chị hy sinh…
Thơ đã nẩy sinh ở ngã ba này như thế. Và “Cúc ơi”là bài thơ đầu tiên không những viết về, mà viết ngay ở địa danh lịch sử này.
Thật khó tìm được một trọng điểm nào, một nghĩa trang nào có nhiều thơ như Ngã ba Đồng Lộc. Đến nay đã có hàng trăm, thậm chí ngót ngàn bài thơ viết về địa danh này. Con số chưa dừng lại ở đó, hàng ngày có hàng chục đoàn khách về viếng nghĩa trang, số lượng thơ viết về Đồng Lộc tăng lên hàng ngày. Và đó cũng là thêm một cơ hội để cho những bài thơ hay viết về Đồng Lộc lan tỏa về các miền của đất nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Huy Cận là nhà thơ viết khá sớm và khá hay về đề tài này. Thông qua hình thức trò chuyện với con, viết về Đông Lộc nhưng bài thơ mang tầm khái quát:
Trong đời mỗi dân tộc
Cũng có những ngã ba quyết định
Những ngã ba vận mệnh
Những cái nút trên dặm dài lịch sử
Gặp những ngã ba đời con sẽ nghĩ suy
Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi
Con sẽ nhớ đến ngã ba Đồng Lộc…
Phần lớn thơ viết về Ngã ba Đồng Lộc xuất hiện khi ở đây đã có nghĩa trang của mười cô liệt sĩ. Và hầu hết các bài thơ đều nói lên cảm xúc của nhà thơ khi đến mảnh đất này: hồi tưởng, kỷ niệm, khâm phục, tiếc thương...Chỉ riêng bài “Lời thỉnh cầu ở Ngã ba Đồng Lộc” của Vương Trọng, cấu tứ hoàn toàn khác: Đó là lời của mười liệt sĩ nói với những người đến viếng, qua đó phẩm chất cao đẹp luôn nghĩ về người khác của mười cô thêm một lần nữa được thể hiện. Đối với bản thân mình, các cô chỉ có một ước muốn nhỏ nhoi:
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang
Đó cũng là lý do để ở nghĩa trang này có hai cây bồ kết trên 15 tuổi và bài thơ đó đã được dịch ra tiếng Anh, khắc vào bia đá ( mặt trước bia, tiếng Việt; mặt sau bia, tiếng Anh) dựng dưới gốc cây bồ kết gần mộ của mười cô.
Hai nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Ngọc Phú đã dồn cảm hứng lớn của mình vào hai trường ca “Con đường của những vì sao” và “Ngã ba Đồng Lộc”, được trích đoạn trong tuyển thơ này.
“Bài ca Đồng Lộc” là tập thơ do nhà thơ Gia Dũng tuyển chọn trong hàng trăm bài thơ đã có về đề tài này. Không thể khẳng định tập thơ này đã thu hút hết “tinh hoa” của thơ về Đồng Lộc, nhưng tin chắc sẽ đáp ứng được phần lớn nhu cầu của bạn đọc. Ngoài ba bài thơ, hai trường ca kể trên, chúng ta còn gặp gỡ trong tuyển thơ này tác phẩm của các nhà thơ tên tuổi như: Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, , Minh Huệ, Xuân Hoài, Bùi Quang Thanh, Mai Hồng Niên, Duy Thảo, Mai Văn Phấn, Trần Hữu Tòng, Phan Xuân Hạt, Hoàng Minh Châu, Bùi Sĩ Hoa…cùng nhiều nhà thơ quen biết khác.
Tin chắc rằng, từ sau ngày giỗ lần thứ 45 của mười cô gái, trong hành trang của du khách đến viếng thăm khu di tích lịch sử này trở về, sẽ có thêm món quà tinh thần “Bài ca Đồng Lộc”.
10- 6- 2013
Đánh giá 0 lượt đánh giá