banner
Giỏ hàng
Ship COD Trên Toàn Quốc
Free Ship Đơn Hàng Trên 300k
Hotline: 0944 286 629
vanhoadongnguyen@gmail.com
Chào mừng quý khách đến với website: www.nhasachdongnguyen.com, kính chúc quý khách lựa chọn được những cuốn sách tốt nhất!
Địa tầng đứt gẫy
dia-tang-dut-gay - ảnh nhỏ  1

Địa tầng đứt gẫy

Tên sản phẩm : Địa tầng đứt gẫy

Tác giả : Nguyễn Tiến Hóa

Nhà xuất bản : Hội Nhà Văn

Năm xuất bản: 2012

Khổ sách : 13,5x20x5

Số trang : 252.

Giá: 55.000 VND

Lời tựa

     Những năm 60 của thế kỷ XX, tôi lần đầu bước chân đến Liên Xô và thật sự cảm kích vì tấm lòng nhân hậu của người Nga, thật sự tĩnh tâm vì một xã hội ổn định, an bình, con người chân thật, hồn hậu và biết cư xử với nhau cao thượng, hòa đồng và tử tế. Với suy nghĩ đầy mơ mộng và ngập tràn lý tưởng của một thanh niên 19 tuổi, tôi nghĩ đất nước đẹp đẽ và đáng yêu này sẽ mãi mãi như thế. Niềm tin yêu của tôi sẽ có đủ lý do để tồn tại vững bền. Đọc lại những cuốn sách đã ố vàng trong thư viện để tham khảo cho môn học “Lịch sử các học thuyết chính trị thế giới”, tôi còn thương hại cho Thomas More với những ao ước viển vông trong xứ sở Utopia (Không tưởng) như trong sương mù huyền thoại, hoặc Campanella với khát vọng bột phát mà không thể nào đạt đến nổi về “Xứ sở của Mặt trời”(1). Tôi đã chủ quan nghĩ rằng, nhân loại đã trải qua những bước đi chập chững trong mơ tưởng của mình, đã tìm thấy được lý tưởng một xã hội đích thực, có đủ các yếu tố mà loài người từ nhiều thế hệ mơ ước, đó là: Dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh. Điều chủ yếu nhất là con người đã tìm ra được một lối sống hạnh phúc, vươn tới phồn vinh đích thực, không ai phải bóc lột ai, không ai phải giành giật, cướp đoạt của ai. Nhưng để những vấn đề này trở thành sự thật, cũng không hề dễ dàng, đúng như câu thơ rất kiệm lời, của Bertolt Brecht - nhà thơ Đức lớn nhất của thế kỷ XX đã cảnh báo: “Chủ nghĩa xã hội - đó là một điều đơn giản, nhưng khó làm!”. Sau thời Khơrutsốp, bị quy là thời kỳ xét lại, qua thời Brêgiơnep, được gọi là thời kỳ trì trệ, đến thời Gorbachôp, được mệnh danh là thời kỳ cải tổ, thì chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô chính thức sụp đổ. Nó đã sụp đổ nhanh chóng và tồi tệ hơn là ta tưởng tượng. Và cả Đông Âu mênh mông, dải đất từ sau Thế chiến thứ II từng trở thành dinh lũy hiện thực và liên hoàn của chủ nghĩa xã hội ở tầm vóc thế giới, cũng đã phá sản nhanh chóng và đồng loạt, y như những quân cờ Đôminô mỏng mảnh!

     Lại phải đọc lại những dự báo của các nhà chính trị và khoa học thế giới. Thì ra từ năm 1970, nhà xã hội học André Amalrick đã dự đoán là Liên Xô sẽ tan rã vào giữa thập kỷ 80. Và nhà nghiên cứu người Pháp Emmanuel Todd cũng đã viết từ năm 1976 một loạt bài về sự khập khiễng, không hài hòa của chế độ Xô viết và tiên đoán nó sẽ tan vỡ vào cuối thế kỷ XX(2). Và trong một loạt phát biểu đầy ẩn ý, thì tổng thống Mỹ Ronald Reagan và cố vấn về an ninh của Mỹ là Brezinsky cũng đã từng nói, họ không tin rằng Liên bang Xô viết có thể tồn tại lâu nữa, mà có thể xảy ra các đột biến chỉ ngay trong vòng hai ba thập kỷ tới. Tất cả họ đều không phải là những nhà tiên tri, nhưng họ đã nhìn thấy căn bệnh trầm kha khó chữa trị của chế độ Xô viết và cả hệ thống chính trị thời đó ở Đông Âu, dù biết rằng Chủ nghĩa xã hội vẫn có những thành tựu đáng kể về phân phối phúc lợi công cộng và sự bình đẳng xã hội. Nào đâu có phải các thể chế này đổ sụp chỉ đơn giản là do nguyên nhân “diễn biến hòa bình” hay do bàn tay phá hoại của CIA? Chắc chắn không có một thế lực nào đủ sức làm nổi việc đó ở tầm vóc lớn lao có tính hệ thống như vậy, nếu các chế độ xã hội này không tự đổ vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan, không phải từ bên ngoài mà nằm ngay trong lòng bản thân nó.

     “Địa tầng đứt gẫy” là một cuốn tiểu thuyết luận đề, nó vừa có hơi thở của tiết tấu dồn nén, nhanh gọn, cấu trúc biến đổi lớp lang, văn mạch đa thanh gợi mở, của mộttiểu thuyết hiện đại, với các chi tiết sống động và trần trụi như vừa thoát ra khỏi những trang ký sự còn tươi rói, những ghi chép thường ngày quen thuộc và nóng bỏng đã trở thành những dấu ấn không thể quên của tất cả những ai đã từng sống, học tập và làm việc ở nước Nga và cả Liên bang Xô viết những năm 80- 90 của thế kỷ trước. Đáng trân trọng hơn nữa, đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của một tác giả Việt Nam, dám tái hiệntrên sơ đồ bao quát cả một bức tranh hoành tráng và bi kịch của quá khứ trong giai đoạn thoái trào của “chủ nghĩa xã hội hiện thực” ở Liên Xô và Đông Âu, với những diễn biến bất ngờ, những mưu toan bí ẩn,  mà mãi tới hôm nay vẫn còn là những vấn đề đang cần giải mã trên phạm vi toàn thế giới.

     Đọc cuốn “Địa tầng đứt gẫy”, chúng ta thấy rõ bối cảnh và hiện trạng của đất nước Liên Xô đang rối ren sau thời kỳ kinh tế bao cấp yếu kém kéo dài, thời kỳ mà quản lý xã hội suy thoái nghiêm trọng, đạo đức xã hội xuống dốc không phanh, những khó khăn chồng chất đến mức không thể chỉ phát động một sáng kiến nào có ý nghĩa “cải tổ trên bề nổi” là đủ khắc phục được! Qua con mắt nhìn sắc sảo và sự thâm nhập khá sâu vào xã hội Liên Xô của các cán bộ quản lý, nhà ngoại giao và đông đảo những người lao động Việt Nam hiện diện ở đó vào thời kỳ chuyển biến khốc liệt này, cộng với các mối quan hệ đa dạng và thân thiết của họ với rất nhiều tầng lớp người Nga đủ các lứa tuổi và thành phần, tác giả đã hé mở cho chúng ta thấy bề sâu của các suy nghĩ và trải nghiệm của nhiều tầng lớp người Xô viết, những hy vọng và thất vọng của họ khi lại phải giáp mặt với “một cuộc đổi đời”, mà họ không hề mong muốn, nhưng lại rơi vào hoàn cảnh phải gánh chịu. Đây chính là giai đoạn hấp hối của xã hội Xô viết, những cơn co thắt cuối cùng vô cùng đau đớn và tuyệt vọng của một thể chế, vốn từng đã có tham vọng lớn lao là muốn trở thành thể chế tốt đẹp và tiên tiến nhất trên thế giói. Nhưng cuối cùng đã không làm nổi và đẩy toàn thể nhân dân mình và gần một nửa thế giới vào một cuộc động đất, một cuộc xáo trộn dữ dằn và bạo liệt, một giai đoạn mà trái đất tưởng như nằm trong mạch ngầm của cả một lớp “địa tầng đứt gẫy” liên hoàn từ trên xuống dưới! Nó ghê gớm và tàn nhẫn quá! Nó căng thẳng và lạnh lùng quá! Có lẽ nào nó lại không đi đúng quy luật của lịch sử? Có lẽ nào nó lại không phải là kết cục tất yếu, khách quan và vô tình của sự vật, cuốn sạch đi mọi nỗ lực đã từng được tô vẽ của chủ nghĩa duy tâm chủ quan, của khát vọng duy ý chí, khiên cưỡng và đầy ảo tưởng? Nó cũng phơi ra mặt trái của một xã hội suốt bao năm được “tô hồng”, mới nhìn tưởng là mạnh mẽ, vững bền, nhưng thực chất lại là yếu đuối, không đủ khí chất để tồn tại độc lập lâu hơn nữa. Ta cũng đã từng quen tai với lối mòn, chỉ thích ca ngợi một chiều, che đi mọi khiếm khuyết, thổi phồng những ưu điểm chưa hẳn đã là thực chất của mình, mặt khác lại  phủ nhận mọi giá trị, của những thể chế khác không đồng nhất với mình. Khi đọc những câu thơ giản dị, có sức cảnh tỉnh giống như “thuốc đắng dã tật” của nhà thơ Việt Phương in trong tập thơ “Cửa mở” thời ấy, mỗi chúng ta đều ồ lên một nỗi chua chát bất ngờ, một niềm tủi hổ sâu xa, khi bao lâu vẫn cứ bị chi phối bởi quan điểm cứng nhắc “ta luôn tốt, địch luôn xấu”, đến mức có thể sẵn sàng cứ đinh ninh rằng “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ” và “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ”! Cách “tô hồng” một chiều, tới lúc vỡ ra thấy nó ngây ngô đến thế. Làm sao còn có thể tồn tại được, trong một xã hội đang bùng nổ thông tin, cùng với cả thế giới đang tiến tới xu thế mở cửa, hội nhập, để trở về một mái nhà chung, như quan niệm của một số nhà nghiên cứu chính trị và nhà kinh tế học về một “thế giới phẳng” sau này?

     “Địa tầng đứt gẫy” dù chỉ mới là những nét chấm phá trên bức tranh toàn cảnh của xã hội Liên Xô thời đó, nhưng là những nét chấm phá sinh động, sắc sảo, luôn luôn kiệm lời và đủ liều lượng khơi gợi, với những nét phác thảo dũng cảm và quyết liệt, dám phơi trần ra, không hề che giấu nhiều điều mà lâu nay chúng ta còn ít được biết, thậm chí còn bị bỏ qua hoặc né tránh. Chỉ riêng đời sống thường ngày và các mối quan hệ xã hội của những người lao động Việt Nam ở Liên Xô đã là một đề tài vô cùng phong phú và đa dạng, đan xen đủ các yếu tố bi hài, hạnh phúc và bất hạnh, đồng thời trải ra không biết bao nhiêu số phận kỳ lạ và bất ngờ trước mắt chúng ta. Tuy nhiên, bản thân đề tài đó, dù được khai thác khá kỹ, cũng đâu phải là tiêu điểm của cuốn sách này! Tác giả của nó, nhà văn Nguyễn Tiến Hóa, đã từng học tập và kinh qua nhiều công tác khác nhau ở Liên Xô cũ, trong vòng 25 năm trời, lại muốn chuyển đến chúng ta một thôngđiệp khác: Đó là những tác nhân và mưu đồ làm tan rã nhanh chóng thể chế xã hội ở Đông Âu và Liên Xô, đồng thời dự báo mô hình  xã hội tốt đẹp của nhân loại trong tương lai. Hệ lụy của sự đổ vỡ này gắn liền với số phận những người Việt Nam, đã từng sống học tập và làm việc ở Lìên Xô trong thời kỳ đó. Người ta cũng  được giải đáp câu hỏi vì sao, những người lao động đầy ý chí và nghị lực của chúng ta, từ những suy nghĩ thành tâm và trong trẻo ban đầu (giống như câu thơ của Tố Hữu viết về một ông già khốn cùng và nghèo đói trước Cách mạng Tháng Tám, từng ngồi phả hơi thuốc lào khoan khoái, rồi cứ ngây ngất “Lão ngồi mơ nước Nga”), để đến phút cuối cùng, cũng chính là họ, sau bao năm lao động vất vả, chịu đựng bao mất mát đắng cay, để rồi vẫn buộc lòng phải trở về với hai bàn tay trắng. Đó là một sự thực nghiệt ngã để cảnh tỉnh, nhưng đồng thời cũng có ý nghĩa như một biểu tượng. Chắc chắn, trong công cuộc Đổi Mới ở đất nước chúng ta, những người từng là những nhân vật chính, từng chịu đựng thất bại trong cuốn sách này, sẽ tiếp tục làm lại cuộc đời và sẽ vươn tới sự thành đạt trong thời kỳ mở cửa và hội nhập. Thế còn nước Nga, nơi đã là bến đỗ đầy kỳ vọng và cũng là tình yêu thuở thanh xuân của họ? Sau khi những vết “đứt gẫy địa tầng” còn lớn hơn nhiều lần một cuộc động đất, phũ phàng tàn phá nước Nga, thay đổi số phận hàng triệu triệu con người, tất cả chúng ta đều thành tâm mong nước Nga hàn gắn được những đổ vỡ ghê gớm đó, và trở về với cuộc sống yên bình, dựng xây, sáng tạo và hy vọng. Quá trình đó đang tiếp tục diễn ra, dù có lúc trồi lúc trụt, suốt hơn hai mươi năm nayvới sự chăm chú theo dõi quan tâm của toàn thế giới, trong đó có đông đảo người Việt Nam chúng ta, những người đã từng yêu mến, đồng hành và gắn bó sâu xa với đất nước và con người Xô viết…

     Trong hơn hai mươi năm ấy, bản thân tôi cũng có dịp được trở lại nước Nga một lần, và thực sự nhìn thấy những khó khăn, những nỗ lực phi thường của một dân tộc vĩ đại đang bắt tay tạo dựng nên những bước chuyển đổi lớn lao. Buồn và vui xen kẽ nhau. Có một câu thơ bùi ngùi của nhà thơ Chế Lan Viên cứ ám ảnh tôi mãi: “Đi xa về hóa chậm / Biết bao là nhiêu khê!”. Trong cuốn sách này cũng có dẫn ra cùng một quan điểm đó, khi trong một đoạn đối thoại ngắn, tác giả tưởng như vô tình cũng hé lộ ra rằng: Đối với Việt Nam (và kể cả Trung Quốc), để cất công làm lại mọi thứ sau khi Đổi Mới và mở cửa, sẽ còn đơn giản và thuận lợi hơn nước Nga nhiều lần, vì tiến trình của Việt Nam (hoặc cả Trung Quốc) khi đi vào chủ nghĩa xã hội quan liêu và bao cấp vẫn đang ở sau trình độ phát triển của nước Nga rất xa. Đúng là trong cái dở lại có cái may! Thực sự quá trình chuyển đổi ở nước Nga đúng là “nhiêu khê” đấy, và không phải chỉ có nhiêu khê mà thôi, còn đầy rẫy những thử thách, trong thực tiễn nếp sống, trong tâm lý con người, những nghịch lý đã xoắn chặt vào nhau không dễ dàng tháo gỡ. Chỉ xem một việc  phấn đấu để hội nhập nền kinh tế thế giới, như gia nhập WTO chẳng hạn, nước Nga cũng vất vả, trầy trật và kéo dài đến thế nào, hơn thông lệ quốc tế bình thường gấp  nhiều lần.

     Trong quá trình vùa mở cửa và hội nhập, vừa phải giữ vững được bản sắc riêng của dân tộc mình, đã có bao nhiêu vấn đề nan giải được đặt ra. Cùng lúc ấy, lại phải kiến tạo được nền dân chủ, công bằng thực sự cho toàn dân; bảo đảm sự hài hòa hữu cơ giữa chính trị, kinh tế và văn hóa, giữa nhu cầu hưởng thụ vật chất và giá trị tinh thần, đạo đức… trong bài toán phát triển toàn diện đất nước; và cuối cùng, cao nhất là có lý tưởngmục tiêu thật sự đúng đắn, đủ sức thuyết phục toàn dân tộc, gắn kết họ trong một khối thống nhất: Đấy vẫn là những bài toán cực kỳ khó giải cho bất cứ một dân tộc nào muốn vươn tới đỉnh cao của sự phát triển bền vững, của hạnh phúc và phồn vinh. Dù sao, chúng ta cũng hiểu rằng không thể nào tìm ra những đơn thuốc giống nhau cho mọi hoàn cảnh và mọi xứ sở khác nhau. Điều chủ yếu là nước Nga vẫn không bao giờ chịu dừng lại, chịu khép kín, chịu an phận và thụ động, cũng giống như cả Đông Âu, cả châu Á, châu Phi và toàn nhân loại ngày nay cũng đều đang là như vậy, suốt từ sau thời kỳ “địa tầng đứt gẫy” của lịch sử nhân loại đến giờ. Đó là điều chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định một cách chắc chắn. Và đấy cũng là lý do để chúng ta tin vào sức sống bất tận và bất diệt của quá trình tiến hóa mạnh mẽ và rất logic của xã hội loài người, để rồi tất yếu phải đi đến một tương lai tốt đẹp hơn, với cách tổ chức xã hội và mọi quan hệ xã hội sẽ mỗi ngày một hoàn thiện hơn, sau những bài học đổ vỡ đau xót về nhận thức và thực tiễn của thế kỷ XX.

                                                                              BẰNG VIỆT

                                                                    Hà Nội, tháng 12 năm 2011.



(1) Thomas More (người Anh) tác giả cuốn “Utopia”, và Campanella (người Ý) tác giả cuốn “Xứ sở của Mặt Trời” là hai nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng nổi tiếng.

(2) Emmanuel Todd: La chute finale. Essais sur la décomposition de la sphère soviétique. Paris, 1976. ( Sự sụp đổ cuối cùng. Các bài tiểu luận về sự phân hủy của khu vực không gian xô viết. Paris, 1976 ) .

Đánh giá 0 lượt đánh giá

ĐẶT HÀNG
1
 
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CÔNG TY TNHH MTV DỊCH VỤ VĂN HÓA ĐỒNG NGUYÊN
Địa chỉ: 208 Cách Mạng Tháng 8 - Q. Cẩm Lệ - TP. Đà Nẵng
0944 286 629
vanhoadongnguyen@gmail.com
BẢN ĐỒ
KẾT NỐI VỚI CHUNG TÔI
Design by Nhà Sách Đồng Nguyên
dathongbaobocongthuong