banner
Giỏ hàng
Ship COD Trên Toàn Quốc
Free Ship Đơn Hàng Trên 300k
Hotline: 0944 286 629
vanhoadongnguyen@gmail.com
Chào mừng quý khách đến với website: www.nhasachdongnguyen.com, kính chúc quý khách lựa chọn được những cuốn sách tốt nhất!
Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim người con Đảo Lý Sơn
hoang-sa-truong-sa-trong-trai-tim-nguoi-con-dao-ly-son - ảnh nhỏ  1

Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim người con Đảo Lý Sơn

Tác giả: PGS, TS. Lê Trọng

Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn

Số trang: 139

Kích thước: 14,5x20,5 cm

Giá: 58.500 VND

LỜI GIỚI THIỆU

PGS. TS. Lê Trọng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và xã hội(CESR), nguyên Viện trưởng Viện Phát triển Quốc tế học, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông đã viết rất nhiều giáo trình, chuyên luận, báo chí sáng giá, đầy uy tín về chuyên ngành của mình, có giá trị thiết thực đối với lợi ích của dân tộc, thể hiện uy danh của một nhà giáo, một nhà khoa học kinh tế có tầm.

Song, những bài viết về Hoàng Sa, Trường Sa của ông còn gây ấn tượng mạnh mẽ hơn nhiều, còn nâng ông lên một tầm cao mới. Vì Hoàng Sa, Trường Sa là khúc ruột liền với đảo Lý Sơn - nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn bó với ông qua biết bao kỷ niệm từ ấu thơ tới lúc trưởng thành. Tình cảm ấy đã trở thành máu thịt của ông, cũng là máu thịt của mọi người dân Việt. Vậy ai mà không đồng cảm sâu sắc với loạt bài viết về biển đảo của ông. Nhất là khi những bài viết đó có đầy đủ chứng lý, có sức thuyết phục thì sự đồng cảm ấy càng được nâng lên.

Đã từ lâu, nhất là từ 19 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc xâm chiếm  Hoàng Sa cho tới việc hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương - 981 của họ trên vùng thềm lục địa và lãnh hải của nước ta gần đây (5/2014), thể hiện họ đã bất chấp luật pháp quốc tế, chỉ mong chiếm được Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.

Trước thực tế ấy, trong nhân dân ta ai mà không phẫn nộ, nhất là đối với PGS. TS. Lê Trọng và tất cả những người cầm bút chúng ta. Với những trái tim quặn đau, căm uất, một nhóm tác giả đáp lời mời của Luật gia Bùi Phúc Hải - Giám đốc Trung tâm văn hóa Tràng An đã biên soạn cuốn sách “Hoàng Sa - Trường Sa là máu thịt Việt Nam” (NXB Thông tin và Truyền thông xuất bản 10/2013; tái bản lần 1: 9/2014, lần 2: 2/2015), mời PGS. TS. Lê Trọng làm đồng chủ biên. Qua cuốn sách cùng nhau tâm huyết biên soạn ấy, mà chúng tôi lòng càng hiểu lòng, do vậy, tác giả Lê Trọng đã giao cho tôi đề tựa cuốn “Hoàng Sa - Trường Sa trong trái tim người con đảo Lý Sơn” này của ông.

Đúng vậy, trái tim ta thật xúc động khi đọc những bài báo mở đầu tác phẩm: “Lý Sơn, đảo du lịch lý tưởng” - một bài vừa mang tính địa phương chí, vừa mang tính du ký; hay bài “Nhớ những mâm cỗ cúng vong linh binh lính Hoàng Sa, Trường Sa” - một bài hồi ức vô cùng cảm động của Lê Trọng viết về phong tục cúng tế ở quê hương đảo Lý Sơn mà thuở ấu thơ ông đã được tham dự và còn nhớ nằm lòng. Đó chính là một bản hùng ca về lòng yêu nước và sự hy sinh cao cả của những binh sĩ “Người đi thì có mà không thấy về”. Theo mạch văn ấy là các bài “Văn khế xã An Vĩnh bán công thổ dâng cho thủy quân đi giữ Hoàng Sa”, “Bản văn khế liên quan đến Hoàng Sa”... rất có giá trị lịch sử, văn hóa đối với vùng miền và dân tộc.

Tập hợp vào cuốn “Hoàng Sa - Trường Sa trong trái tim người con đảo Lý Sơn” là những tư liệu lịch sử lâu đời, quý giá, cho phép ta khẳng định một cách đanh thép rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Các bài: “Phát triển nghề cá xa bờ ở huyện đảo Lý Sơn”, “Lý Sơn hướng tới đảo xanh”... là những bài học kinh nghiệm, những kiến nghị của PGS.TS. Lê Trọng, qua đó chứng tỏ tầm nhìn xa trông rộng của ông. Tri thức về kinh tế - xã hội sâu sắc của ông được vận dụng vào những bài viết này một cách nhuần nhuyễn, thiết thực.

Trái tim ta càng xúc động khi đọc Phần II đậm chất văn - sử nhất là bài: “Vai trò của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và tính hợp pháp về quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam”. Ở bài này, PGS.TS. Lê Trọng có những luận giải rất công bằng, đúng đắn: “Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam phải kể đến vai trò của Chính phủ ấy trong việc tiếp tục quản lý, trấn giữ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho đến 19/1/1974, Hoàng Sa mới bị Hải quân Trung Quốc đánh chiếm hoàn toàn. Đây là một thực tế hết sức hùng hồn về quần đảo Hoàng Sa mãi mãi thuộc về chủ quyền Việt Nam, không ai có thể chối cãi”.

Để minh chứng cho luận điểm chân xác ấy, Lê Trọng đã dồn tâm huyết trong số hàng nghìn tư liệu, để gạn đục khơi trong, tìm ra những hạt vàng hạt ngọc. Đó là cái khác, cái rất Lê Trọng nói như lời Nguyễn Du:

“Thân tàn gạn đục khơi trong

Là nhờ quân tử khác lòng người ta”.

Lấp lánh trước mắt ta là những viên ngọc như Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá; như nhiều tư liệu của chính Trung Quốc và của phương Tây mà Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán (một vị thiền sư người Tàu) là một ví dụ; như những hành xử nối tiếp nhau của các vương triều nhất là từ các Chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn, vương triều Nguyễn, chính quyền Pháp thuộc cho đến Chính phủ Việt Nam cộng hòa trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Đầy đủ chứng lý, hợp logic, có sức thuyết phục cao, cần cho Tổ quốc, dân tộc biết bao và cũng công bằng, dũng cảm biết bao khi Lê Trọng viết: “Vậy tôi mạn phép và trân trọng nhắc lại rằng: “Từ Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 cho đến 30/4/1975, Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về mặt hành chính - pháp lý là thuộc Chính phủ Việt Nam cộng hòa quản lý, canh giữ. Do đó ngày 1/6/1956, Ngoại trưởng Việt Nam cộng hòa Vũ Văn Mẫu xác nhận lại chủ quyền của Việt Nam trên cả hai quần đảo. Như thế, Chính phủ Việt Nam cộng hòa là nhà nước hợp pháp được quốc tế thừa nhận, có vai trò quản lý quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc đem quân xâm chiếm. Đây là CHỨNG CỨ GẦN NHẤT, RÕ RÀNG NHẤT, MINH BẠCH NHẤT, HỢP PHÁP NHẤT: KHẲNG ĐỊNH CÁC QUẦN ĐẢO HOÀNG SA, TRƯỜNG SA VÀ VÙNG BIỂN THUỘC CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TRÊN BIỂN ĐÔNG LÀ CỦA VIỆT NAM 100% TRONG HƠN 500 NĂM NAY CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ VÙNG TRANH CHẤP GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC – ĐỂ TRUNG QUỐC VIỆN CỚ DÙNG VŨ LỰC XÂM CHIẾM TRÁI PHÉP”.

Đó là những luận cứ và kết luận khoa học chính xác để đi đến kiến nghị hợp lý, chính nhân tâm, thuận lòng người nhất của PGS. TS. Lê Trọng (xin độc giả xem ở phần chính văn của tác giả sẽ thấy rõ và đầy đủ hơn).

 Nếu kiến nghị phải công khai kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế do PGS. TS. Lê Trọng đưa ra được thực hiện thì sẽ tăng thêm sức mạnh cho khối đại đoàn kết dân tộc, sẽ nâng cao hơn uy tín của Nhà nước ta trước toàn dân và bạn bè quốc tế. Từ đó nước ta sẽ nhận  được ủng hộ nhiều hơn về mọi mặt từ các lực lượng chính nghĩa trên thế giới. Đó là cơ sở vững chắc để củng cố nội lực nước ta về cả tinh thần lẫn vật chất, đặng thu hồi toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và những phần mất mát trong quần đảo Trường Sa cùng những thiệt thòi khác của nước ta mà từ rất lâu người Việt Nam phải gánh chịu.

Rõ ràng, Lê Trọng và tác phẩm của ông đã nói được nhiều điều mà nhiều người muốn nói, cần nói, phải nói. Vậy con người Lê Trọng, tác phẩm của Lê Trọng là một đòi hỏi cấp thiết của đông đảo độc giả hiện nay trước tình hình Biển Đảo vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Để góp phần phục vụ cho những mong ước cháy bỏng, những việc làm chân chính ấy - tác phẩm của Lê Trọng còn có những phụ lục về biên giới và biển đảo gồm: Những văn bản về văn khế khẳng định chứng lý, chủ quyền; những biên bản bàn giao; những chứng tích mới phát hiện về Hoàng Sa; các ảnh tư liệu, các trang viết thể hiện nồng nàn lòng yêu nước mà vẫn đầy chất khảo cứu về Hoàng Sa. Lại thêm: Hoàng Sa một phần lãnh thổ Việt Nam cộng hòa (với vị trí, diện tích, chủ quyền qua các khía cạnh lịch sử, pháp lý và thực tế; Hải quân Việt Nam anh dũng chống lực lượng xâm lăng Trung Quốc; Tuyên cáo của Chính phủ Việt Nam cộng hòa về chủ quyền của Việt Nam cộng hòa trên những đảo ngoài khơi Việt Nam cộng hòa 14/2/1974… công bố bằng tiếng Việt và tiếng Anh). Những nội dung ấy thể hiện phong cách làm việc công phu, nghiêm túc, đầy tâm huyết và rất cần của PGS. TS. Lê Trọng trước tình hình Biển Đông còn nhiều biến động khó lường và sau hết, những tri thức ấy, lịch sử ấy sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng.

Viết tới đây, tôi lại nhớ tới những câu thơ của Chế Lan Viên nói về những người làm khoa học, có đầu óc uyên bác không chuyên về thơ lại nảy ra thơ, thành nhà thơ viết được những câu có sức cảm hóa lòng người:

“Nhà bác học có ngờ đâu

Ở bên đường hiện thực

Anh lại tìm ra mơ

Sực nhớ giấc mộng xưa kia muốn làm thi sĩ

Cười thấy mình đang đứng giữa một trời thơ”.

Những vần thơ ấy phải chăng cũng đang ứng tới, vận vào Lê Trọng? Bởi ông đang tắm mình trong biển đảo quê hương, từ đảo Lý Sơn tới Hoàng Sa, Trường Sa như những bậc thềm từ ngôi nhà Tổ quốc Việt Nam bước ra. Và Hoàng Sa với Lê Trọng, nói như nhà thơ Tạ Hữu Yên“Hoàng Sa trong trái tim một nhà khoa học”, hay như Từ Khôi “Hoàng Sa đau đáu trong trái tim người con đảo Lý Sơn”… đều đúng cả, để rồi tất thảy chảy thành tập thơ “Giọt nước” thấm đẫm tình người, tình yêu quê hương, đất nước; hay đã rung lên vang vọng thành tập thơ - văn “Con đảo xa nhớ mẹ” của ông. Mà trong đó, những tiếng Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đảo… như sóng biển sục sôi, tung trào trên từng trang giấy. Tấm lòng và những trang viết của Lê Trọng truyền cảm hứng say sưa, háo hức, miệt mài đến những tấm lòng, những trang viết của bao người đồng cảm khác. Người viết Lời tựa này cũng đang đồng cảm với những vần thơ của Lê Trọng – thơ chân chất như khoa học, không cần chau chuốt mà dễ cảm thông biết bao!

 Xin PGS. TS. hãy: “Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ” mà nhận lấy sự mừng vui, trân trọng và đồng điệu của người viết Lời tựanày.

                                                                                  Ngày 10/10/2014

TS. Sử học Đinh Công Vỹ

Đánh giá 0 lượt đánh giá

ĐẶT HÀNG
1
 
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CÔNG TY TNHH MTV DỊCH VỤ VĂN HÓA ĐỒNG NGUYÊN
Địa chỉ: 208 Cách Mạng Tháng 8 - Q. Cẩm Lệ - TP. Đà Nẵng
0944 286 629
vanhoadongnguyen@gmail.com
BẢN ĐỒ
KẾT NỐI VỚI CHUNG TÔI
Design by Nhà Sách Đồng Nguyên
dathongbaobocongthuong